Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều cho năng suất cao

Cây điều là cây công nghiệp dài ngày, có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao. Hiện nay, hạt điều rất có giá trị kinh tế cao, hạt điều được sản xuất và nhập khẩu sang các nước trên thế giới. Để có được cây điều cho năng suất cao bà con cần nắm rõ được kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc cây điều. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây điều cho năng suất cao.

Hình ảnh: minh họa

Yêu cầu ngoại cảnh cây điều
– Ánh sáng: Điều là cây ưa sáng hoàn toàn và ra quả ở đầu cành nên các cây trồng đơn độc hoặc trồng với mật độ thích hợp, bảo đảm chế độ ánh sáng đầy đủ cây cho năng suất khá cao. Trong thời gian cây ra hoa càng đòi hỏi nhiều ánh sáng. Trung bình cây điều cần khoảng 2.000 giờ nắng/năm. Ở miền núi, đặc biệt là ở những thung lũng có núi non che khuất thường xuất hiện sương mù buổi sáng và buổi chiều làm giảm cường độ ánh sáng, cây điều ở đó có thể vẫn sinh trưởng bình thường nhưng ra hoa đậu quả rất kém, sản lượng không đáng kể.

– Nhiệt độ: Điều là loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, vì vậy điều rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp và sương giá. Điều có khả năng sinh trưởng trong phạm vi giới hạn nhiệt độ khá rộng nhưng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 24-280C. Tuy nhiên muốn có năng suất cao, thì không nên chọn những vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 200C.

– Lượng mưa: Từ 1.000-2.000 mm/năm là thích hợp nhất. Sự phân bố mưa trong năm lại ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả hơn là tổng lượng mưa. Mùa điều ra hoa kết trái thường kéo dài khoảng 2 tháng, vào giai đoạn này yêu cầu thời tiết phải thật khô ráo. Nếu ở giai đoạn này nhất là vào thời kỳ cây trổ hoa nếu gặp mưa, dẫu chỉ là mưa nhỏ cũng đủ làm phấn hoa bết lại, khó bám dính vào côn trùng truyền phấn khiến cho quá trình thụ phấn bị ngưng trệ, sự thụ tinh không xảy ra được. Mặt khác, hoa điều chứa nhiều mật ngọt, gặp điều kiện ẩm ướt sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển gây hư hỏng các chùm hoa và cho các quả non đang hình thành. Vì vậy chế độ mưa thích hợp cho cây điều ra hoa đậu quả là có hai mùa, mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ rệt và khô kéo dài 4-5 tháng. Trong mùa mưa cây điều sinh trưởng, tích lũy chất dinh dưỡng để khi bước vào mùa khô sẽ ra hoa đậu quả thuận lợi.

– Đất đai: Cây điều trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây điều chỉ sinh trưởng và cho năng suất cao ở những vùng có tầng đất sâu, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt. Cây phát triển tốt trên đất sét pha cát không có tầng đất cái, với mực nước ngầm ở độ sâu từ 3-6m. Cây điều cũng có thể phát triển tốt trên đất cát pha, vì đặc tính thoát nước tốt, mặc dù loại đất này có độ màu mỡ không cao. Đất đỏ cũng thích hợp cho cây điều sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng điều trên các loại đất sét nặng, bí chặt, đất feralit vùng đồi có tầng đá nổi hoặc tầng sỏi kết gần trên mặt; đất cát rời rạc có tầng nước ngầm ở quá sâu thì cây vẫn sống nhưng không phát triển được và cho cho năng suất rất thấp.

2. Thời vụ trồng điều
– Trồng vào đầu mùa mưa, ngay khi đất được hưởng lượng nước mưa đầu vụ trở nên mềm, dễ làm. Như vậy cây sẽ có điều kiện sinh trưởng thuận lợi suốt cả mùa mưa. Ở Lâm Đồng, thời vụ trồng điều thích hợp nhất là khi mùa mưa ổn định, thường bắt đầu trồng vào tháng 6 đến 15 tháng 8 dương lịch.

3. Kỹ thuật trồng cây điều
3.1. Chọn giống cây điều
– Đặc điểm một số giống điều chọn lọc: Giống điều phải đạt các tiêu chuẩn sau: Năng suất cao và ổn định (1,5-2 tấn/ha); Tỷ lệ nhân lớn hơn 28%; Kích cỡ hạt ít hơn 170 hạt/kg; Số trái/chùm từ 5-10 trái. Tỷ lệ chồi ra hoa lớn hơn 75%, cây sinh trưởng khỏe, phát tán đều và ít sâu bệnh.

– Do đó hiện nay đa phần các hộ canh tác thường sử dụng các giống điều ghép, ngoài các giống đã được định danh và cho phép lưu hành trên thị trường như giống điều PN1, giống điều AB29, giống điều AB0508, MH4/5, MH5/4…

Hình ảnh: minh họa

3.2. Kỹ thuật nhân giống điều
– Nhân giống hữu tính (từ hạt)

+ Chọn hạt giống to, đều, đủ độ già từ những cây mẹ.

+ Phơi hạt 2-3 nắng cất giữ nơi khô thoáng để duy trì tỷ lệ nảy mầm

+ Trước khi ươm hạt cần thả hạt trong nước muối 3-5%, loại bỏ những hạt nổi

+ Ngâm hạt trong 24-48 tiếng, rửa lại bằng nước sạch

+ Hạt có thể ươm trực tiếp trong bầu ươm không cần qua khâu ủ hạt chờ nảy mầm

+ Khi đặt hạt vào bầu ươm, cho chiều cong úp xuống, cuốn hạt quay về phía trên, lấp đất vừa phủ hạt. Sau khoảng 45-60 ngày có thể mang ra trồng

+ Ưu điểm của nhân giống từ hạt là dễ tiến hành, chi phí thấp, tỷ lệ sống cao, đôi khi có thể lai tạo ra giống năng suất vượt trội nhờ ưu thế lai, nhược điểm là tỷ lệ phân ly giống cao, khó đạt được năng suất mong muốn

– Nhân giống vô tính (ghép chồi)

+ Để duy trì được đặc tính của cây mẹ, bà con nên nhân giống bằng phương pháp ghép chồi

+ Chồi ghép được lựa chọn từ những cây mẹ đã được định danh hoặc có chỉ tiêu giống như đã nêu ở phần trên

+ Phương pháp ghép chính là ghép nêm chồi, có thể thực hiện trên cây con trong bầu ươm hoặc cây đã trồng ngoài đồng ruộng

+ Nếu ghép trên cây con nên chọn những cây có độ tuổi trên 60 ngày trở lên, đường kính thân tương đương hoặc lớn hơn đường kính chồi ghép

+ Ưu điểm của nhân giống vô tính là giữ được gần như toàn vẹn đặc tính của cây mẹ, nhược điểm là kỹ thuật tiến hành phức tạp, tỷ lệ cây sống khi trồng chưa cao.

3.3. Chuẩn bị đất trồng cây điều
– Sau khi kiểm tra thổ nhưỡng loại trừ những chỗ có lớp đất mặt quá mỏng hoặc có quá nhiều đá, đất thoát nước kém hoặc đất có những yếu tố bất lợi khác và tiến hành dọn sạch thực bì hoang dại trên toàn bộ lô đất của vườn điều. Các loại cây bụi ưa sáng, mắc cỡ, cỏ tranh là những loài cây hoang dại phát triển rất mạnh trong mùa mưa và chết đồng loạt vào mùa khô lại có thể tái sinh mạnh hơn vào năm sau vừa làm đất bạc màu thêm vừa gây nguy cơ cháy là nhân tố bất lợi cho vườn điều. Đối với loại cây bụi lớn có hệ rễ ăn sâu dùng máy ủi sạch sau đó cày tơi lại 1 lần và bừa 1 lần, đối với cây bụi nhỏ và cỏ dại có thể cày 1 lần và bừa 1 lần. Công việc làm sạch thực bì phải được tiến hành vào đầu mùa mưa khi phần lớn các loại cây, cỏ dại mới tái sinh đồng loạt và chưa kịp ra hoa, kết hạt.

– Đối với đất đồi núi không cày bừa được phải chặt cây đánh gốc rồi mới cuốc hố trồng theo bậc thang tại chỗ để hạn chế tình trạng xói mòn rửa trôi đất trong mùa mưa. Việc làm đất kỹ lưỡng và kịp thời vụ chi phí có thể hơi cao, song tính toán lâu dài thực ra lại có hiệu quả cao vì giảm được công chăm sóc sau này đồng thời tạo điều kiện cho vườn điều sinh trưởng thuận lợi và sớm được thu hoạch.

– Xây dựng vườn điều: Để bảo đảm việc chăm sóc và bảo vệ đất, vườn cây cần được được thiết kế, xây dựng trước khi trồng. Trong quá trình phân chia lô trên vườn điều phải chú ý đến đường vận chuyển. Việc chuẩn bị hố trồng phải được đánh dấu trước để bảo đảm khoảng cách trồng đúng như dự kiến.

– Thiết kế băng chống xói mòn: Trên những vùng đồi, có độ dốc lớn cần tiến hành làm bậc thang cho từng gốc điều.

Hình ảnh: minh họa

3.4. Mật độ và khoảng cách trồng điều
– Điều rất nhanh cho thu hoạch đặc biệt là điều ghép, sau khi trồng khoảng 18 tháng là bắt đầu có bông, một số giống cao sản năm thu bói có thể đạt từ 5-8 tạ/hecta

– Do đó để tận dụng tối đa năng suất và hạn chế lãng phí đất trống, khi trồng điều bà con nên trồng dày ban đầu, về sau khi cây giao tán thì tỉa bỏ bớt các cây ở giữa. Khoảng cách ban đầu là 8x6m hoặc 10x5m (tương đương mật độ là 200 cây/ha) về sau tỉa thưa các cây ở giữa tạo khoảng cách 8×12 hoặc 10x10m (tương đương mật độ là 100-120 cây/ha)

3.5. Đào hố và chuẩn bị hố trồng điều
– Trước khi trồng nên thiết kế để định hướng và định cự ly trồng cho chính xác. Nếu trồng theo hàng, cần thiết kế các hàng theo hướng Bắc – Nam để cây tận dụng tối đa điều kiện ánh sáng cho sự phát triển bộ tán lá và sự ra hoa kết quả sau này. Đào hố theo hình hộp có kích thước 50x50x50cm hoặc 60x60x60cm. Khi đào hố cần chú ý để lớp đất mặt tơi xốp, nhiều mùn sang một bên miệng hố, phần đất dưới sâu để riêng ở miệng hố bên kia.

3.6. Kỹ thuật trồng điều
– Khi mưa ổn định, đem cây con đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn ra trồng.

– Đối với đất xám hàm lượng sét cao, thoát nước kém phải vun đất đắp gốc để nước không đọng trong hố trồng sau những cơn mưa lớn.

– Khi trồng tiến hành móc trộn lại hố, đặt bầu cây xuống cạnh hố dùng dao sắc cắt bỏ đi khoảng 2-3cm dưới đáy bầu, đặt bầu cây xuống chính giữa hố, rạch 1 đường theo chiều dọc của bầu và kéo bầu nilon ra, nén chặt đất quanh gốc cây.

– Trồng xong nếu không gặp mưa, cần tiến hành tưới nước cho điều với lượng tưới ít khoảng 20 – 30 lít/hố để rễ và đất trong bầu liên kết với đất trong hố và cung cấp đủ nước cho cây con phòng khi gặp hạn trong những ngày đầu.

4. Kỹ thuật chăm sóc vườn điều
4.1. Bón phân cho cây điều
– Điều trồng mới: Trước khi trồng ít nhất từ 20-25 ngày trộn phân lớp đất mặt với 2-3 kg/hố phân bón hữu cơ Ngựa Vàng Rainbow, sau khi trộn đều kéo xuống lòng hố

– Điều kiến thiết cơ bản (1-3 năm): Bón Phân hữu cơ Ngựa Vàng Rainbow 2-3 kg/cây/năm. Bón phân NPK cho cây điều chia thành 3-4 đợt/năm có thể sử dụng các loại phân NPK 16-16-8+TE, 20-20-15+TE… mỗi đợt bón với lượng từ 0,5-1 kg/cây. Bón phân khi đất đủ ẩm hoặc kết hợp với tưới nước. Cuốc hố sâu 0 – 20 cm xung quanh gốc cây theo hình chiếu của tán lá, bón phân và lấp đất lại.

– Điều kinh doanh: Sau khi thu hoạch sử dụng phân bón NPK 16-16-8+TE, 20-20-15+TE…lượng bón từ 1-2kg/cây. Thời ký nuôi trái sử dụng phân bón NPK 17-7-19sm; 18-8-20+TE… lượng bón 1-2 kg/cây, bón 2-3 đợt/vụ nuôi trái. Bón phân khi đất đủ ẩm hoặc kết hợp với tưới nước. Cuốc hố sâu 0 – 20 cm xung quanh gốc cây theo hình chiếu của tán lá, bón phân và lấp đất lại.

4.2. Tưới nước cho cây điều
– Linh động dựa theo tình hình khô hạn, nếu có điều kiện có thể đánh bồn đường kính 2-4m quanh gốc để tưới nước hoặc tưới bằng béc phun cũng được.

4.3. Cắt tỉa cành tạo tán
– Khi cây cao khoảng 0,8-1m, tiến hành hãm ngọn, nuôi 3-5 cành chính mọc lên từ thân, tạo tán phát triển cân đối về các hướng, sau đó hàng năm sau vụ thu hoạch cắt tỉa cành sâu bệnh, cành khô, chồi vượt sát thân, cành hết khả năng mang trái.

5. Thu hoạch cây hạt điều
Việc thu hoạch, bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị các sản phẩm hạt và trái. Vì vậy đòi hỏi phải thu hái đúng kỹ thuật, kịp thời và bảo quản tốt nhằm duy trì tối đa chất lượng sản vốn có của sản phẩm.