Bệnh vàng lụi hại lúa đã xuất hiện và gây hại thành dịch ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 1965, đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Bệnh do virus Rice yellow stunt virus (RYSV), môi giới truyền bệnh là rầy xanh đuôi đen (Nephotettix spp.), thuộc họ ve sầu nhẩy (Cicadellidae), bộ cánh đều (Homoptera).
Sau một thời gian dài vắng bóng, mấy năm gần đây, bệnh đã xuất hiện trở lại và gây hại nặng trên lúa ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Vụ Hè Thu 2020, bệnh đã xuất hiện và gây hại trên lúa ở các xã Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 80ha. Bài viết này cung cấp những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh và biện pháp quản lý nhằm giúp cán bộ kỹ thuật và nông dân sớm nhận biết bệnh trên đồng ruộng và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
1. Triệu chứng bệnh
Khi nhiễm bệnh, cây có triệu chứng điển hình là bộ lá biến vàng, cây lùn, đẻ nhánh kém. Hai đến ba tuần sau cấy, một cây bệnh điển hình có 1-2 lá phía dưới bị biến vàng, sau chuyển thành vàng sáng hoặc vàng cam tối, cuối cùng các lá vàng này trở nên nhăn héo.
Lá biến vàng thường bắt đầu từ đỉnh lá và trên cây thì các lá phía dưới biến vàng trước sau đó mới lan lên các lá phía trên. Trên các lá biến vàng, có thể xuất hiện các chấm nhỏ màu nâu đỏ (màu gỉ sắt). Lá non thường có màu xanh nhạt lốm đốm hoặc thành sọc dài ngắn khác nhau, chạy song song với gân lá.
Khi lúa nhiễm bệnh, bộ rễ bắt đầu phát triển kém, một số rễ trong khóm (bụi) chuyển dần sang màu đen, khi bệnh nặng toàn cây bị vàng lá thì bộ rễ chuyển sang màu đen và bị tàn lụi dần.
Trên giống mẫn cảm, cây bị lùn, giảm mạnh khả năng đẻ nhánh, trỗ kém hoặc không trỗ. Cây nhiễm sớm có thể biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng cây nhiễm muộn có thể không biểu hiện triệu chứng. Trường hợp nặng, cây có thể chết trước khi trỗ.
Bệnh được gọi là “vàng tạm thời” vì cây bệnh, đặc biệt trong điều kiện nhà kính, sau khi biểu hiện triệu chứng vàng lá điển hình, có thể phục hồi, thậm chí không biểu hiện triệu chứng. Nhiều khi, các dảnh trông bình thường hình thành từ cây bệnh.
Cây lúa bị bệnh sớm và nặng có thể lụi chết trước khi trỗ, nếu bị nhiễm bệnh muộn thì mức độ bệnh nhẹ, phát triển đến trỗ bông nhưng trỗ muộn, bông lúa nhỏ, nhiều hạt lép và thường trỗ không thoát. Cây nhiễm bệnh muộn có thể không biểu hiện triệu chứng trước khi thu hoạch nhưng cây lúa chét mọc lên thường biểu hiện bệnh rõ rệt từ đầu. Nếu bệnh nhẹ và được chăm sóc, phòng trừ kịp thời thì có thể hồi phục và cho năng suất bình thường.
2. Đặc điểm phát sinh gây hại bệnh vàng lá di động hại lúa
– Bệnh vàng lụi lan truyền từ giai đoạn mạ, lúa mới cấy. Biểu hiện rõ nhất của bệnh ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng trỗ bông. Bệnh thường xuất hiện cả hai vụ lúa trong năm, nhưng diện tích và mức gây hại ở vụ Hè Thu
– Mùa cao hơn, nhất là trên những chân ruộng khô hạn mất cân đối dinh dưỡng, trên một số giống nhiễm và đặc biệt những vùng có rầy xanh đuôi đen thường hay xuất hiện đầu vụ.
– Các nghiên cứu lan truyền cho thấy, virus RYSV lan truyền ngoài tự nhiên nhờ rầy xanh đuôi đen loài (Nephotettix spp.) theo kiểu bền vững tái sinh (virus nhân lên trong vector) nhưng không truyền qua trứng. Ba loài rầy xanh đã được ghi nhận truyền RYSV (hay RTYV) là N. nigropictus, N. cincticeps và N. virescens (Inoue, 1978).
– Sự phát triển và mức độ gây hại của bệnh có liên quan chặt chẽ đến giống lúa, điều kiện nhiệt độ, mật độ rầy xanh đuôi đen và đặc điểm ruộng.
+ Mức độ nhiễm bệnh lúa vàng lụi của các giống lúa rất khác nhau.
+ Trong điều kiện nhiệt độ vụ lúa Hè Thu, vụ Mùa ấm nên bệnh vàng lụi gây hại nặng hơn so vụ lúa Đông Xuân.
+ Những chân ruộng có mật độ rầy xanh đuôi đen đầu vụ xuất hiện với mật độ cao, tỷ lệ rầy mang virus càng cao thì mức độ cây lúa bị bệnh và thể hiện triệu chứng càng rõ.
+ Thông thường những khóm lúa (dảnh lúa) ven bờ cỏ, lùm cây bị trước và mức độ nặng hơn.
3. Biện pháp phòng trừ bệnh
Hiện tại chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phòng trừ bệnh vàng lụi. Chính vì vậy, giải pháp phòng bệnh vàng lụi phát sinh gây hại là nông dân phải thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và phân biệt đúng bệnh, để có giải pháp phòng trừ.
3.1. Biện pháp canh tác
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng sau các mùa vụ thu hoạch và rơm rạ.
– Bố trí gieo cấy thời vụ hợp lý, làm đất kỹ, làm cỏ, chăm sóc kịp thời, điều tiết nước hợp lý.
– Chọn giống có khả năng chống chịu bệnh, tuyệt đối không dùng mạ đã bị bệnh vàng lụi để cấy ra ruộng.
– Kỹ thuật né rầy: Xác định đỉnh cao của các đợt rầy xanh đuôi đen môi giới truyền bệnh thông qua theo dõi các bẫy đèn để từ đó xác định thời điểm xuống giống bao gồm cả gieo thẳng và làm mạ, tốt nhất là sau đỉnh cao của rầy môi giới truyền bệnh vào đèn 4-6 ngày.
– Khi phát hiện ruộng lúa bị nhiễm bệnh, tiến hành phun trừ môi giới, nhổ bỏ những cây bị bệnh đem tiêu hủy (vùi sâu xuống bùn tại ruộng hoặc mang về nhà phơi khô đốt), nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng. Đối với những ruộng xuất hiện bệnh nhẹ, từ khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, áp dụng biện pháp tiến hành nhổ vùi những cây bị bệnh, kết hợp làm cỏ sục bùn và bổ sung các loại phân bón để tăng khả năng hút dinh dưỡng cho cây lúa.
– Bón phân cân đối lượng đạm, lân, kali kết hợp sử dụng một số loại phân bón lá giàu kali giúp cây hồi phục nhanh và tăng khả năng kháng bệnh.
– Chăm sóc điều tiết nước thích hợp từ 3-5cm, những ruộng chủ động nước có thể áp dụng hình thức tưới Nông – Lộ – Phơi để tăng độ thoáng khí trong đất và giải phóng các khí độc như CH4, H2S… Bổ sung thêm phân bón để tăng khả năng hút dinh dưỡng cho cây lúa như: ATONIK 1.8 SL, Bom flower-N, Tora 1.1SL, Rice Holder 0,0075Sl,…
– Những vùng thường xuyên bị nặng có thể luân canh với cây trồng khác.
3.2. Biện pháp hóa học
– Bảo vệ cây lúa non đến kết thúc phân hóa đòng: Đây là giai đoạn mẫn cảm vì vậy cần phối hợp các biện pháp một cách hợp lý:
+ Xử lý hạt giống lúa bằng thuốc Cruiser Plus 312.5 FS hoặc Gaucho 600 FS (chú ý xử lý hạt giống theo khuyến cáo), trước khi gieo để hạn chế các mầm bệnh và xuất hiện rầy xanh đuôi đen (môi giới truyền bệnh).
+ Đối với lúa cấy: Cần tiến hành phun thuốc nội hấp trên mạ trước khi đem cấy ngoài ruộng khoảng 2- 3 ngày nếu ruộng mạ xuất hiện rầy xanh đuôi đen.
+ Sau gieo cấy, thấy xuất hiện rầy xanh đuôi đen thì phải phun phòng trừ ngay, đặc biệt lưu ý những vùng trước đây thường xuyên bị bệnh.
+ Đối với diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái nếu bị nhiễm bệnh, với tỷ lệ dưới 30%, thì nên tỉa bỏ các cây lúa, khóm lúa bị bệnh rồi vùi dập sâu xuống bùn, hạn chế nguồn bệnh. Nếu phát hiện ruộng bị nhiễm bệnh từ 70% trở lên không còn khả năng phục hồi, cần tiến hành tiêu hủy ngay bằng cách cày lật úp hoặc thu gom lúa đem đốt. Trước khi tiêu hủy cần phun một trong các loại thuốc đặc trị trừ rầy xanh đuôi đen như: Oshin 20WP, Chess 50WG, Bassa 50E, Sutin 5EC, Actara 25WG, God 550 EC.
– Khi bệnh xuất hiện ở gai đoạn lúa đứng cái, làm đòng, trổ, đặc biệt giai đoạn lúa trổ bông, thì hạn chế bón đạm, tăng cường kali, không dùng các chất kích thích sinh trưởng, mà chủ yếu giữ mực nước trên ruộng 5-7cm, đồng thời phun bổ sung thuốc: Tilt Super 300EC; NeVo 330EC; AmiStarTop 325SC…
(Nguồn: Trung tâm BVTV vùng Khu 4 – Tạp chí KH-CN Nghệ An)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre
Biện pháp phòng ngừa đổ ngã cho cây lúa trong mùa mưa
Phun thuốc diệt cỏ mùa mưa cần lưu ý điều gì?
Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu?
THÍCH ỨNG HẠN MẶN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, LÂU DÀI
RẦY NÂU HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ NHẤT
GIẢI PHÁP PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH ĐẦU MÙA MƯA
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA