Rầy phấn trắng là một loại dịch hại nguy hiểm vì chúng gây hại trên nhiều loại cây khác nhau từ lúa, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng…, đồng thời tác hại của chúng không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây mà còn có thể lây truyền bệnh virus chưa có thuốc trị. Trong điều kiện thời tiết ít mưa, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp từ mùa mưa chuyển sang mùa nắng hoặc những giai đoạn nắng hạn “bà chằng” tháng 6, tháng 7 là thời điểm rầy phấn trắng phát triển mạnh.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu vụ đông xuân 2023-2024 đến nay, diện tích nhiễm rầy phấn trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long gần 51.000ha, tăng khoảng 46.000ha so với vụ đông xuân năm trước.
Theo buổi phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online ngày 1-3, ông Bùi Xuân Phong, trưởng phòng bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết do năm nay, ở các tỉnh miền Tây, nắng nóng đến sớm, nhiệt độ cao hơn nên bọ phấn bùng phát mạnh hơn mọi năm.
1. Dấu hiệu nhận biết rầy phấn trắng
Thông thường, trong điều kiện thời tiết ít mưa, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp từ mùa mưa chuyển sang mùa nắng hoặc những giai đoạn hạn hán tháng 6, tháng 7 chính là thời điểm rầy phấn trắng phát triển mạnh. Chúng sẽ phát triển qua 4 giai đoạn và dựa vào đó, bà con nông dân có thể sớm nhận ra dấu hiệu xuất hiện của côn trùng để xử lý kịp thời.
1.1. Giai đoạn 1: Trứng
Thời gian ủ trứng của rầy là 5 – 8 ngày. Con cái thường đẻ 14 – 26 trứng theo hình tròn xoắn ốc ngay trên biểu bì mặt dưới lá. Đây cũng là điểm đặc trưng nhất để nhận biết loài côn trùng này. Trứng rầy hình elip, màu vàng hoặc nâu vàng. Vỏ trứng có nhiều chất sáp nhỏ, bám trên mặt lá, thường là ở mặt dưới lá.
1.2. Giai đoạn 2: Ấu trùng
Giai đoạn này có 3 tuổi:
Tuổi 1 (3 – 4 ngày)
Lúc này rầy phấn trắng mới nở có hình bầu dục, mắt đỏ, không có lông phấn. Chúng di chuyển đến gần gân lá hoặc xung quanh trứng để chích hút. Ngày thứ nhất, ấu trùng nằm bất động, chân vẫn cử động được. Ngày thứ 2, chân chúng không cử động. Ngày thứ 3, phần ống chân bị thoái hóa và chỉ còn lại đùi. Chiều dài lúc này của ấu trùng là 0,25 – 0,29mm, chiều rộng 0,09 – 0,16 mm.
Tuổi 2 (2 – 3 ngày)
Sau khi lột xác, thân chúng sẽ dính vào mặt lá, không còn dấu vết của các chân. Lúc này ấu trùng dài 0,40 – 0,64 mm, rộng 0,20 – 0,31 mm. Đồng thời, thân chúng có một lớp phấn mỏng.
Tuổi 3 (2 – 3 ngày)
Ấu trùng ở tuổi này giống tuổi 2 về hình dáng và màu sắc. Chiều dài 0,57 – 1,00mm, rộng 0,30 – 0,60 mm. Vào cuối tuổi 3, chúng bắt đầu lột xác và chuyển sang giai đoạn nhộng.
1.3. Giai đoạn 3: Nhộng
Sau khi chuyển từ giai đoạn lột xác sang giai đoạn nhộng, vỏ ngoài của cơ thể rầy sẽ trở nên cứng cáp hơn. Thậm chí, chúng còn tiết ra nhiều chất sáp và bám chặt vào mặt lá hơn.
Nhộng có hình bầu dục, thân màu trắng đục hoặc hơi vàng. Sở hữu chiều dài thân 0,89 – 1,09 mm và chiều rộng 0,52 – 0,62 mm. Khi nhộng hóa sâu bọ, thành trùng nở ra từ đầu, để lại các vết nứt hình chữ T trên vỏ của nhộng. Thời gian này kéo dài từ 2 – 4 ngày.
1.4. Giai đoạn 4: Thành trùng
Thành trùng của rầy phấn trắng có hình dáng giống một con bướm nhỏ, có hai cặp cánh màu trắng, đôi cánh trước dài hơn đôi cánh sau. Mạch cánh đơn giản, ít vân.
Trong giai đoạn đầu mới trưởng thành, cánh rầy còn yếu và trong suốt. Lúc này, cơ thể của chúng có màu vàng nhạt, di chuyển chậm và không thể bay. Sau khi cánh khô, trên cánh và thân có một lớp bột trắng. Chúng bắt đầu di chuyển nhanh hơn và có thể bay được.
Giai đoạn này, con cái có chiều dài cơ thể khoảng 0,85 – 1,05 mm và sải cánh 1,98 – 2,48 mm. Con đực thì nhỏ hơn, chiều dài cơ thể từ 0,78 – 0.95 mm và sải cánh 1.55 – 1,78 mm.
2. Tác hại do rầy phấn trắng gây ra
Rầy phấn trắng gây hại cho cây trồng từ lúc bé đến khi trưởng thành. Cụ thể:
Rầy non sẽ tiết ra những sợi sáp trắng phủ đầy xung quanh cơ thể. Các tua sáp làm cho mặt dưới lá một lớp bông phấn trắng. Còn khi lớn lên, loại côn trùng này có thể làm hại cây theo 3 cách khác nhau. Đó là:
- Gây hại trực tiếp: Tức là cả thanh trùng lẫn ấu trùng đều chích hút dịch của lá cây non, làm cho lá cây bị rụng sớm, gây hại nặng lên mặt dưới của lá. Thế nhưng, chúng lại không làm cây bị chết.
- Gây hại gián tiếp: Rầy phấn trắng bài tiết ra chất mật ngọt cùng lớp sáp. Đây sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển. Từ đó, làm đen bề mặt lá, trái và giảm khả năng quang hợp của cây. Đồng thời làm giảm giá trị thương phẩm khi trái bị hại.
- Truyền bệnh virus: Ít ai biết rằng, loại rầy này chính là tác nhân truyền trên 40 loại bệnh virus cho cây trồng. Chúng sẽ chích hút ở cây, mang một số mầm bệnh cụ thể. Sau đó bay sang cây khỏe chích hút, rồi lây truyền virus bệnh hại lên cây trồng.
3. Biện pháp trị rầy phấn trắng hiệu quả
Muốn trị rầy phấn trắng hiệu quả, bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
- Vệ sinh đồng ruộng thật sạch trước và sau khi trồng cây cối, rau màu…
- Cắt tỉa bớt lá gốc và cỏ dại quanh gốc để vườn cây luôn được thông thoáng. Và để hạn chế bớt nơi ẩn nấp đẻ trứng của rầy.
- Không nên phun thuốc trừ sâu sớm hoặc phun quá nhiều lần. Mục đích là để bảo vệ các thành phần thiên địch trong vườn cây.
- Thường xuyên thăm đồng ruộng. Nếu phát hiện có cây bị bệnh siêu vi trùng với dấu hiệu nhận biết là lá vàng lốm đốm, cây thấp, lá nhỏ, xoăn… thì nên mạnh dạn nhổ bỏ để tiêu hủy, tránh lây lan sang cây khác.
- Khi bắt buộc cần phun thuốc thì nên chọn những loại thuốc có đặc tính nội thấp, thấm sâu và ít ảnh hưởng đến thiên địch.
- Có thể sử dụng luân phiên một số loại thuốc có hiệu quả cao như THIPRO 550EC, YAPOKO 250SC, NOFARA 35WG, SAFRICE 20WP… Dùng những loại thuốc này không chỉ giúp tăng hiệu quả mà còn tránh rầy kháng thuốc. Nhưng nhớ phun thuốc vào lúc sáng sớm khi lá còn ướt, côn trùng ít di chuyển để mang lại hiệu quả cao nhất.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre
Biện pháp phòng ngừa đổ ngã cho cây lúa trong mùa mưa
Phun thuốc diệt cỏ mùa mưa cần lưu ý điều gì?
Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu?
THÍCH ỨNG HẠN MẶN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, LÂU DÀI
RẦY NÂU HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ NHẤT
GIẢI PHÁP PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH ĐẦU MÙA MƯA
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA