PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA

Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, gây hại cho lúa.

Mưa nhiều và kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện cho ốc bươu vàng (OBV) phát triển và gây hại lúa. Để tăng hiệu quả phòng trừ OBV, nông dân nên kết hợp giữa biện pháp thủ công và hóa học.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, là điều kiện cho OBV tiếp tục phát triển và gây hại. Trong thời gian tới, OBV có thể tập trung gây hại trên lúa mới xuống giống giai đoạn mạ, nhất là những vùng trũng, ngập nước và không chủ động các biện pháp diệt trừ.

Trong tuần qua, diện tích nhiễm OBV trong tỉnh gần 900ha, tăng trên 460ha so với tuần trước, với mật số dao động 1- 3 con/m2, gây hại trên trà lúa mạ. Khu vực nhiễm phân bố tại các huyện Long Hồ (các xã: Long An, Phú Đức); Trà Ôn (các xã: Xuân Hiệp, Trà Côn, Tân Mỹ); Vũng Liêm (các xã: Trung Hiệp, Hiếu Thành, Tân An Luông); Mang Thít (xã Hòa Tịnh).

Có 3 công lúa sạ gần 1 tháng, chú Hồ Văn Em (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) cho biết: “Hơn 1 tuần nay, thời tiết có mưa nhiều, mưa liên tục khiến lượng nước lớn nên OBV dễ sinh sôi, phát triển lây lan nhanh, gây hại cho lúa. Tôi phải tranh thủ trời tạnh mưa phun thuốc diệt ốc và bắt ốc thủ công để hạn chế thiệt hại”.

Theo ngành chức năng, OBV sẽ gây hại nặng trên lúa vào thời kỳ mạ đến đẻ nhánh, chúng ăn rất khỏe và ăn liên tục cả ngày lẫn đêm. Trên ruộng lúa, chúng ăn từng đám, tập trung ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non, lúa mới sạ. OBV rất thích ăn lá lúa non và khi lúa non bị ốc gây hại thì không thể phục hồi vì chúng không chỉ cắn ngang thân mà còn tiết ra chất nhờn tại vết cắn ngăn cản sự sinh trưởng của lúa. Bên cạnh ăn rất khỏe thì OBV còn sinh sản rất giỏi và nhanh.

Một cá thể ốc cái 2 tháng tuổi đã có khả năng sinh sản, chúng có thể đẻ sau 1- 2 ngày giao phối và đẻ từ 1.000- 1.200 trứng trong 1 tháng. Trứng OBV sau khi đẻ được khoảng 10- 14 ngày thì nở ra thành ốc con và chỉ trong 2 ngày sau đó là đã di chuyển và tự kiếm ăn được. Tuổi thọ của OBV lại khá cao với 3 pha phát triển: trứng, ốc non và ốc trưởng thành sẽ kéo dài tầm 2- 6 năm.

Trong tình trạng ruộng bị khô thì OBV vẫn có thể sống tiềm sinh bằng cách đóng nắp, vùi sâu trong đất nhiều tháng không chết để chờ cơ hội thuận lợi thì sẽ tiếp tục gây hại. Và chỉ cần gặp nước 1 đêm thì mọi hoạt động của chúng sẽ trở lại bình thường. Khi OBV phát triển ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng, làm thiệt hại về giống, phải sạ lại nhiều lần, ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, việc xử lý OBV hiện nay đang gặp khó khăn vì liên tục có mưa, lượng nước trên ruộng nhiều là điều kiện thuận lợi cho OBV phát triển nhanh, việc phun thuốc diệt ốc của bà con cũng không mấy hiệu quả.

Để phòng trừ OBV hiệu quả, theo ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, bà con nông dân nên kết hợp giữa biện pháp phòng trừ thủ công và hóa học để tăng hiệu quả phòng trừ ốc gây hại lúa. Khi sử dụng thuốc hóa học cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Cụ thể, trước khi sạ lúa cần làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng. Cho nước vào ruộng sớm để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc. Có thể xử lý vôi kết hợp với bón lót lân vào giai đoạn chuẩn bị ruộng. Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Khi OBV xuất hiện, nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau. Có thể sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống… dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom. Đánh rãnh thoát nước (25x5cm) cách nhau 10- 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rãnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay. Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch. Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 2- 3cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại.

Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, gây hại cho lúa.
Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, gây hại cho lúa.

Đối với những ruộng có mật độ ốc cao, có thể dùng các loại thuốc hóa học để trị và chỉ cần phun 1 lần, đúng theo hướng dẫn, diệt ốc cả vụ. Lưu ý khi sử dụng thuốc hóa học phải đảm bảo có ốc trên ruộng trước khi phun; khi phun mực nước khoảng 3- 5cm là vừa. Sau phun tiếp tục giữ nước 1- 2 ngày để diệt hết ốc còn sót lại. Nên phun thuốc lúc chiều mát hay sáng sớm, tốt nhất là lúc chiều mát vì ốc thường nổi lên và cắn phá mầm lúa vào lúc chiều và tối.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn thời tiết mưa nhiều như hiện nay, ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân cần nhanh chóng tiêu thoát nước cho lúa, tránh tình trạng nước mưa đọng lâu trong ruộng, tạo điều kiện cho ốc và các loại dịch hại khác phát triển, lây lan, ảnh hưởng ruộng lúa. Đồng thời, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, nếu thời tiết mưa thì tổ chức bắt OBV và trứng bằng tay. Nếu trời tạnh thì tháo nước, chỉ để xăm xắp mặt ruộng rồi phun thuốc kết hợp bắt bằng tay mới đạt hiệu quả.

(Nguồn: Báo Vĩnh Long Online)