Trong các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa, rầy nâu là đối tượng nguy hiểm thường gây hại trong giai đoạn lúa trổ, đặc biệt hại nặng khi lúa vào chắc xanh – chín. Để giúp bà con chủ động phòng ngừa, Sinochem xin được thông tin đến bà con các đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại và các biện pháp phòng trừ rầy nâu hại lúa.
Rầy nâu hại lúa là gì?
Rầy nâu hại lúa có tên khoa học là Nilaparvata lugens Stal, thuộc họ Delphacidae (Muội bay), bộ Homoptera (Cánh đều). Rầy nâu gây hại lúa bằng cách chích hút nhựa lúa, truyền bệnh virus. Rầy nâu là đối tượng nguy hiểm thường gây hại ở giai đoạn lúa trổ, đặc biệt gây hại nặng khi lúa vào chắc xanh – chín. Trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, rầy bộc phát gia tăng mật độ và gây hại trên diện rộng.
Các đặc điểm hình thái của rầy nâu hại lúa
1. Trứng
Trứng của rầy nâu hại lúa có hình bầu dục cong, một đầu to, một đầu nhỏ có nắp đậy, trong suốt. Trứng được đẻ trong bẹ lá hoặc gân lá.
2. Rầy non
Lúc nhỏ có màu trắng ngà, sau thành màu nâu vàng, thân hình tròn trĩnh. Rầy non có 5 tuổi, dài 1-3mm.
3. Rầy trưởng thành
Rầu nâu hại lúa khi trưởng thành có màu nâu, có 2 dạng cánh gồm cánh dài phủ kín thân và cánh ngắn phủ 2/3thân. Sở dĩ, rầy trưởng thành có 2 dạng cánh này là do sự biến đổi hình thái trong điều kiện môi trường thuận lợi nhiều hay ít.
- Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, thức ăn phong phú thì rầy nâu dạng cánh ngắn xuất hiện nhiều. Ngược lại, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, thức ăn không thích hợp thì rầy nâu dạng cánh dài xuất hiện nhiều.
- Trong điều kiện môi trường bình thường sẽ xuất hiện rầy nâu cánh dài với tỉ lệ đực:cái là 1:1. Trong điều kiện môi trường thuận lợi sẽ xuất hiện rầy nâu cánh ngắn với tỉ lệ đực:cái là 1:3.
Đặc điểm sinh học và gây hại của rầy nâu hại lúa
1. Vòng đời của rầy nâu hại lúa
Rầy nâu có vòng đời kéo dài 28 – 30 ngày, trong đó:
- Giai đoạn trứng: 6 – 7 ngày
- Giai đoạn con non: 12 – 13 ngày
- Giai đoạn trưởng thành: 10 – 12 ngày
2. Đặc điểm sinh thái của rầy nâu trên lúa
Rầy nâu là loài thích sống quần tụ và khả năng sống quần tụ cao. Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu thường sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa. Rầy trưởng thành ít hoạt động vào ban ngày, chỉ khi trời râm mát hoặc chiều tối mới bò lên phía trên thân và lá lúa. Khi bị động, rầy có thể nhảy lên các bộ phận khác của cây hoặc rơi xuống nước.
3. Đặc điểm gây hại của rầy nâu trên lúa
- Đầu tiên, rầy xuất hiện thành từng đám giữa ruộng, sau đó lan dần ra quanh ruộng.
- Rầy nâu tập trung ở gốc lúa, chích hút nhựa cây. Rầy nâu dùng vòi để chích hút nhựa cây làm cho cây lúa bị khô héo. Khi rầy nâu chích vào lúa, chúng để lại trên lá, thân một vệt nâu cứng, cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo, lúa chậm phát triển.
Bên cạnh đó, các vết thương do rầy nâu chích hút tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập, làm cho cây lúa thối nhũn, đổ rạp, gây hiện tượng lem lép hạt trên lúa. Khi mật độ rầy cao gây nên hiện tượng cháy rầy.
Ngoài ra, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus trên lúa như bệnh lúa cỏ (vàng lùn), lùn xoắn lá. Phân của rầy nâu chứa nhiều đường là môi trường cho các loại nấm phát triển, gây nên bệnh bồ hóng ở gốc lúa, làm cản trở quá trình quang hợp.
- Rầy trưởng thành thường tập trung thành đám ở trên thân cây lúa hoặc phía dưới khóm lúa để chích hút nhựa. Khi bị khua động thì lẩn trốn bằng cách bò ngang hoặc nhảy sang cây khác, hoặc xuống nước hoặc bay xa đến chỗ khác.
- Thời tiết mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi để rầy phát sinh mạnh. Trường hợp thiếu thức ăn do lúa bị cháy hoặc khô già thì xuất hiện rầy cánh dài để di chuyển sang ruộng khác.
- Rầy trưởng thành được 4 – 5 ngày thì đẻ trứng. Trứng đẻ ở mô tế bào bẹ lá hoặc gân chính của lá. Mỗi con có thể đẻ 400 – 600 trứng. Trướng được xếp thành từng hàng như nải chuối.
Ở các vùng lúa phía Bắc, bệnh rầy nâu hại lúa thường xảy ra vào tháng 5 và cuối tháng 9 – đầu tháng 10. Ở khu vực miền Nam, rầy có thể gây hại liên tục các vụ lúa quanh năm.
Một năm rầy nâu phát sinh từ 6 – 7 lứa. Trong đó có 2 lứa cần chú ý theo dõi và phòng trừ là lứa rầy phá hoại vào tháng 4, 5 (lúa vụ xuân) và tháng 8, 9 (lúa vụ mùa).
Các biện pháp phòng trừ rầy nâu hại lúa
1. Biện pháp canh tác
- Sử dụng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy, nên dùng giống ngắn ngày thay cho giống dài ngày
- Không sạ cấy quá dày, cấy đúng mật độ, nhỏ dảnh
- Bón phân cân đối, không bón phân đạm quá nhiều
- Gieo cấy tập trung, không gieo cấy lệch thời vụ chính quá nhiều
- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ nguồn thiên địch của rầy
- Thăm đồng và kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện tình trạng rầy nâu để phòng trừ kịp thời.
2. Biện pháp sinh học
- Khi lúa 4-5 tuần tuổi, thả cá rô phi, cá mè hoặc thả vịt vào ruộng lúa để diệt rầy
- Bảo vệ và tăng cường các hoạt động của thiên địch của rầy nâu như: Nhện ăn thịt, nhện lùn, bọ rùa, gọng vó.
3. Biện pháp hóa học
– Khi phát hiện trong ruộng lúa có rầy với mật độ cao 2 – 3 con/dãnh lúa (1500 con/m2) thì phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị rầy như CHESSIN 600WP, NOMIDA 700WG. Sau phun 3 – 5 ngày kiểm tra lại, nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao cần phun lại lần 2.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre
Biện pháp phòng ngừa đổ ngã cho cây lúa trong mùa mưa
Phun thuốc diệt cỏ mùa mưa cần lưu ý điều gì?
Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu?
THÍCH ỨNG HẠN MẶN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, LÂU DÀI
RẦY NÂU HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ NHẤT
GIẢI PHÁP PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH ĐẦU MÙA MƯA
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA