Mưa đầu mùa giải quyết được cơn khát kéo dài của cây cối. Vào thời gian này cây cũng nhận được một lượng phân bón nhất định. Cộng thêm lượng đạm cao có trong tự nhiên do sấm sét mạng lại. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để đọt non phát triển mạnh mẽ và tươi tắn, là hiệu ứng sinh lý cây trồng vốn có. Tuy nhiên, kèm theo đó là những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho cây trồng và mùa vụ.
Nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho cây trồng và mùa vụ
Khi cây phát triển đọt non mạnh mẽ cũng là thời điểm kích thích côn trùng và các loại chích hút phát triển. Bên cạnh đó độ ẩm tăng cao cũng tạo điều kiện cho nấm hại bắt đầu sinh sôi.
Những cơn mưa axit đầu mùa gây cháy lá, chúng mang theo khói bụi công nghiệp trong đó chứa nhiều SO2, CO2, NO2 khi gặp H2O chúng dễ dàng hòa tan và tạo ra những hạt axit rớt lẫn vào trong những hạt mưa, hòa tan vào bụi kim loại. Oxit kim loại có sẵn trong không khí như PbO gây độc cho môi trường sống của con người, động thực vật, đất và các công trình xây dựng. Khi vào đất chúng hòa tan các các kim loại trong đất như Ca, Mg, Fe, Al… khiến cây trồng không hấp thụ được và gây chua đất.
Vậy câu hỏi đặt ra:
Mưa đầu mùa không phải mưa axit thì có gây chua đất không?
Mưa đầu mùa có khả năng hòa tan các bụi kim loại: Ca, Mg, Al, Fe trong đất, gây chua đất và có thể gây ngộ độc cho đất. Nên khi bước vào đầu mùa mưa có những vườn cây sau khi xanh tốt lại vàng vọt rụng lá, lá không đều màu, rụng trái non….
Trong điều kiện mưa đầu mùa thường xen kẻ những đợt nắng nóng gay gắt điều này làm thay đổi ẩm độ trong đất, làm môi trường sống của các sinh vật gây hại trong đất thuận lợi. Khi ẩm độ tăng các bào tử nấm, hạch nấm, sợi nấm của các loài Phytopthora, Fusarium, Rhizoctonia, Pytium…phát triển và lây lan.
Bên cạnh đó, điều kiện môi trường thay đổi, từ đất khô hạn chuyển mưa ẩm ướt lượng nước tăng nên rễ cây trồng hấp thụ nước, dinh dưỡng cao làm cây trồng dễ bị sốc tạo điều kiện cho hiện tượng cháy lá non, rụng hoa, trái non xảy ra; dễ gây vết thương vùng rễ tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây hại dễ tấn công,…
Mưa đầu mùa – Nguyên nhân gây nên bệnh vàng lá thối rễ
– Khi côn trùng và rầy rệp phát triển mạnh tấn công vào cây trồng làm cho cây trồng bị tổn thương. Đây chính là điều kiện để nấm hại tấn công.
– Các tác nhân như rệp sáp, nhện, bọ cánh cứng tấn công xuống bộ rễ là điều kiện cho các loại nấm gây ra bệnh vàng lá thối rễ tấn công.
– Đất bị chua gây thối các đầu rễ tơ khiến tạo cơ hội cho nấm bệnh gây vàng lá thối rẽ tấn công.
Từ các nguyên nhân trên có thể khẳng định mưa đầu mùa cũng là một nguyên nhân gây nên bệnh vàng lá thối rễ.
Phương án chuẩn bị ngăn chặn sự bùng phát của sâu hại và bệnh hại
Trước diễn biến điều kiện môi trường thay đổi do những cơn mưa đầu mùa làm ảnh hưởng môi trường đất, độ PH trong đất, ảnh hưởng hệ vi sinh vật có hại phát triển,…. Để bảo vệ cây trồng đầu mùa mưa an toàn, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại; đề nghị người sản xuất quan tâm thực hiện một số giải pháp như:
- Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, cũng là lúc nên phòng sâu hại chích hút và nấm bệnh cho cây trồng của mình.
- Vào thời điểm này, khi mật độ sâu, rầy, rệp còn ít chưa bùng phát chúng ta nên sử dụng các loại thuốc sâu sinh học như nấm xanh + nấm trắng kết hợp với vi khuẩn BT, Amino acid để phòng và tiêu diệt sâu, rầy, rệp trên phổ rộng và tăng khả năng quang hợp cho cây trồng.
- Mặt khác, nấm bệnh luôn hiện diện trong đất, khi độ ẩm đất tăng kết hợp với mưa chúng sẽ sinh sôi và hoạt động mạnh mẽ. Những đầu rễ non là nơi để các loại nấm như Fusarium, Phytophthora, Pythium tấn công. Đây cũng là lý giải cho hiện tượng: Trước mùa mưa cây phát triển xanh tốt, bình thường nhưng sau những cơn mưa đầu mùa thì các đọt non mới phóng ra bị vàng. Đó là các dấu hiệu của bệnh vàng lá thối rễ ở cây trồng.
- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng đem tiêu huỷ hoặc tỉa những cành tăm, cành bị bệnh tạo sự thông thoáng trong vườn cây.
- Bón vôi đầu mùa mưa để trung hoà lượng axit trong đất, nâng độ PH đất, sát khuẩn làm giảm mật số các vi sinh vật có hại trong đất, bổ sung lượng canxi tăng khả năng chống chịu cho cây trồng.
- Phun bổ sung các phân bón lá có trung vi lượng và aminoacid để bổ sung giải độc cây trồng (hạn chế các phân bón lá có đạm).
- Sau những cơn mưa đầu mùa cần tưới rửa lại cây trồng để hạn chế rụng nụ, trái non, lá non của cây trồng.
- Hệ thống tiêu thoát nước tốt, hạn chế tối đa việc ngập úng trong vườn ảnh hưởng đến bộ rễ cây trồng.
- Phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh bảo vệ sớm cho cây trồng khi xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa. Các hoạt chất phòng trị nấm bệnh phổ biến như: Metalaxyl, Azooxystrobin, Propineb, Copper, Dimethorph, Fostyl Al, Hexaconzole,…
(Nguồn tin: Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre
Biện pháp phòng ngừa đổ ngã cho cây lúa trong mùa mưa
Phun thuốc diệt cỏ mùa mưa cần lưu ý điều gì?
Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu?
THÍCH ỨNG HẠN MẶN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, LÂU DÀI
RẦY NÂU HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ NHẤT
GIẢI PHÁP PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH ĐẦU MÙA MƯA
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA