Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chủ động thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, hạn, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, kéo dài và lấn sâu vào nội đồng đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Xâm nhập mặn ngày càng gay gắt
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12/2023 tới đầu tháng 5/2024, trên toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần như không có mưa. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về bị thiếu hụt khiến xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.
Ngay từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông trên địa bàn tỉnh theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12/2023 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đợt đỉnh điểm của xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ rơi vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024. Với ranh mặn 4 gram/lít lấn sâu vào nội đồng từ 100-120km. Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với mùa khô năm 2015-2016.
Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh, tình trạng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, với người dân tại các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm xáo trộn cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Cường (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Năm nào, khu vực này cũng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, gần đây, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn do nắng nóng kéo dài. Mặc dù các thành viên trong gia đình tôi sử dụng rất tiết kiệm nguồn nước được hỗ trợ nhưng vẫn không đủ dùng, đôi lúc phải mua thêm nước bên ngoài với giá cao để sử dụng”.
Còn ông Trần Thanh Nhân (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: “Việc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô ở đây năm nào cũng diễn ra. Gia đình tôi đã chủ động trữ nước nhưng vẫn không đủ dùng do mùa khô kéo dài. Tôi hy vọng ngành chức năng sớm có giải pháp để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô”.
Bên cạnh việc thiếu nước sinh hoạt, hạn, xâm nhập mặn còn làm cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, nhất là các vườn cây ăn quả. Theo ghi nhận, hiện nay, hàng trăm hécta chanh của người dân huyện Thủ Thừa, Bến Lức đang bị chết dần. Nguyên nhân là thời tiết nóng hạn gay gắt, kéo dài dẫn đến thiếu nước tưới. Mặc dù những ngày gần đây, một số cơn mưa đã xuất hiện, tuy nhiên những cơn mưa này làm cho nguồn nước vốn đã bị xâm nhập mặn lại nổi phèn, hoàn toàn không thể sử dụng để tưới chanh. Chính vì vậy, nhiều diện tích chanh đang bị héo rễ, lá úa dần và chết.
Ông Nguyễn Văn Cư (ấp 5, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) cho hay: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nước dự trữ trong vườn chanh nhà tôi đã cạn kiệt, chanh đã không được tưới nước hơn 4 tháng làm cho bộ rễ bị héo và không thể phục hồi. Ước tính vườn chanh 2ha của gia đình tôi thiệt hại khoảng 70% diện tích”.
Cũng bị thiệt hại vườn chanh do thiếu nước tưới như ông Cư, ông Lê Văn Tây (ấp 4, xã Bình Đức) đã kêu máy xúc để phá bỏ 1ha chanh bị thiệt hại. Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện một vài cơn mưa nên ông tạm hoãn việc phá bỏ và bón vôi vào gốc chanh để ngăn phèn với hy vọng cứu được phần nào vườn chanh.
Ông Tây tâm sự: “Hơn 2 tháng qua, vườn chanh của gia đình tôi đã không được tưới nước hay phun xịt bất cứ loại thuốc nào do không có nguồn nước ngọt. Hệ thống kênh trên địa bàn xã đều bị nhiễm mặn, người dân trồng chanh trong khu vực đều phải “chịu trận” chứ không thể làm gì, một số hộ do xót chanh đã mua nước ngọt với giá 75.000 đồng/m3 để phun thuốc cho vườn chanh nhưng cũng không thấm vào đâu”.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở đang chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh phối hợp các địa phương rà soát, thống kê các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại trong mùa hạn, mặn năm nay để trình UBND tỉnh tìm hướng hỗ trợ người dân.
Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, vấn đề hạn, mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn, xâm nhập mặn xảy ra.
Ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên thì con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như việc khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng,…
Thông tin từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay, giải pháp để chủ động thích ứng hạn, mặn là phải kết hợp đồng bộ giữa giải pháp phi công trình với giải pháp công trình. Cụ thể, về giải pháp phi công trình, cần tiếp tục tăng cường, hiện đại hóa công tác giám sát, dự báo chuyên ngành phục vụ cho công tác điều hành mùa vụ; tạo thuận lợi cho Nhân dân có thông tin về nguồn nước tin cậy để chuyển đổi sản xuất ngắn và dài hạn; đồng thời, điều chỉnh lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm phù hợp với dự báo nguồn nước; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt, phù hợp với điều kiện tự nhiên; quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả.
Về giải pháp công trình, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống thủy lợi; tiếp tục đầu tư các công trình kiểm soát mặn, nguồn nước tại các vùng mặn đã vượt qua và tác động đến vào các vùng canh tác cây ăn trái. Cùng với các hệ thống thủy lợi tăng cường nguồn cấp nước, người dân địa phương cũng cần chủ động tích trữ nước theo quy mô hộ gia đình, các mương, vườn.
Đối với nước sinh hoạt, rà soát đánh giá tổng thể hiện trạng năng lực cấp nước của các công trình cấp nước sinh hoạt, đánh giá, xác định các giải pháp cấp nước cho những khu vực chịu ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Khu vực có thể cấp nước tập trung thì đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình hiện có. Các khu vực dân cư phân tán, hỗ trợ các dụng cụ tích trữ nước mưa để bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn; tập trung sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, ngành cũng tích cực phối hợp các địa phương vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác; khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và khó lường. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động của hạn, mặn./.
(Nguồn: Báo Long An Online)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre
Biện pháp phòng ngừa đổ ngã cho cây lúa trong mùa mưa
Phun thuốc diệt cỏ mùa mưa cần lưu ý điều gì?
Bảo hiểm cho nông dân trước rủi ro khí hậu?
THÍCH ỨNG HẠN MẶN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, LÂU DÀI
RẦY NÂU HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ NHẤT
GIẢI PHÁP PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH ĐẦU MÙA MƯA
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA MÙA